Đau vùng thắt lưng - căn bệnh tiềm ẩn với mọi người trưởng thành

Đau vùng thắt lưng là biểu hiện triệu chứng có thể gặp ở nhiều độ tuổi với các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ của người trưởng thành là lớn hơn cả. Nguyên nhân chủ yếu có thể bao gồm các bệnh về xương khớp, tiết liệu. Đặc biệt do quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Những tư thế, thao tác sai trong lao động, nghỉ ngơi cũng là nguyên nhân phát bệnh.

Hiện nay có đến 70% dân số trên thế giới có ít nhất một lần từng mắc chứng đau vùng thắt lưng. Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới đây là nguyên nhân nhiều nhất dẫn đến tình trạng ốm đau, mất sức lao động của người dưới 45 tuổi. Hàng năm có khoảng 5% dân số nói chung và 50% người trưởng thành rơi vào tình trạng đau thắt lưng.

Có một nghiên cứu đưa ra, có từ 60 – 90% người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng ít nhất 1 lần trong đời. Ở Mỹ có đến 5,4 triệu người trở thành khuyết tật do đau lưng gây nên. Chi phí cho việc điều trị này hàng năm rơi vào từ 63 đến 80 tỷ đô la.

Mặc dù vậy, những người mắc bệnh đau vùng thắt lưng thường chủ quan. Những tác động nhất thời chưa ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến việc điều trị tự phát. Người bệnh chỉ tìm đến bác sĩ khi đã chuyển biến nặng. Việc thiếu thông tin, kiến thức đang khiến cho căn bệnh tưởng như đơn giản này trở nên khó lường hơn.

Đâu là nguyên nhân của đau vùng thắt lưng?

Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng. Trong đó yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu. Các cơ này duy trì và làm vững chắc tư thế thẳng của cột sống. Đồng thời giúp cột sống cử động nhịp nhàng theo vận động chung của cơ thể như đi lại, chạy nhảy, nâng đồ vật, tập thể dục, thể thao… Đau vùng thắt lưng do hoạt động hàng ngày quá sức; bê, nâng vật nặng; động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần; ngồi hoặc đứng quá lâu; vận động không đúng tư thế.

Đau vùng thắt lưng có thể do các bệnh khớp khối u cột sống; viêm nhiễm như viêm đĩa đệm, viêm tủy xương, lao cột sống; bệnh mạch máu như: phình động mạch chủ bụng, tụ máu ngoài màng cứng. Bệnh về chuyển hóa như loãng xương, bệnh lý trong ổ bụng và các cơ quan nội tạng… Tuy nhiên để chẩn đoán xác định nguyên nhân đau vùng thắt lưng còn là vấn đề phức tạp. Người ta cho rằng có hơn 85% đau vùng thắt lưng không có chẩn đoán xác định.

Bê hoặc nâng đồ vật nặng đúng tư thế giúp tránh gây đau lưng.
Bê hoặc nâng đồ vật nặng đúng tư thế giúp tránh gây đau lưng

Các triệu chứng của đau thắt lưng

Triệu chứng đầu tiên của bệnh đau thắt lưng là những cơn đau xuất phát từ thắt lưng và lan dọc theo cột sống. Hoặc lan xuống một hoặc cả 2 chân. Các hoạt động cúi, nghiêng, nâng vác đồ vật, ho hoặc hắt hơi đều có thể khiến các cơn đau tăng. Lưng cứng sẽ khiến người bệnh khó khăn trong cử động. Cần thời gian nghỉ ngơi mới đi lại được. Khi các cơn đau đã trở thành mạn tính, người bệnh sẽ bị đau âm ỉ cả ngày. Buổi sáng bị cứng xương, cản trở hoạt động đi đứng thường ngày.

Những cơn đau âm ỉ kéo dài
Những cơn đau âm ỉ kéo dài

Làm thế nào khi đau thắt lưng? 

Đau thắt lưng là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc điều trị cơ bản là tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Có nhiều biện pháp điều trị đau vùng thắt lưng như thuốc chống viêm giảm đau, thuốc giãn cơ, vật lý trị liệu trong đó tập luyện để làm mạnh các cơ bảo vệ và hỗ trợ cột sống là một trong các biện pháp hiệu quả có thể phối hợp với tất cả các phương pháp điều trị khác.

Vấn đề cơ bản và quan trọng của điều trị là phục hồi chức năng vận động của vùng thắt lưng và phòng ngừa đau tái phát. Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp, đau lưng tái phát và thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể, đặc biệt là cột sống ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Sau đây là một số hướng dẫn cụ thể:

Đứng

Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên 2 chân, không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình dài ra đặc biệt là dùng giày hoặc guốc cao gót. Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân

Ngồi

Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Có thể kê một gối mỏng vùng thắt lưng để giữ đường cong bình thường của đoạn cột sống này.

Tư thế ngồi làm việc chuẩn
Tư thế ngồi làm việc chuẩn

Bê hoặc nâng đồ vật lên

Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau: Hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc: Ngồi xổm xuống (gấp khớp gối và khớp háng, không cúi gấp cột sống), bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra. Nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy (không dùng cơ thắt lưng để nâng). Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn. Độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường

Lấy đồ vật ở trên cao

Khi muốn lấy đồ vật nào đó ở độ cao trên vai trở lên thì cần lưu ý: Nếu đồ vật để cao quá nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên. Không cố để với lấy đồ vật bằng cách kiễng chân lên.

Không nên kiễng chân để lấy vật trên cao
Không nên kiễng chân để lấy vật trên cao

Kéo hoặc đẩy đồ vật đi

Nếu có thể chọn nên dùng cách đẩy hơn là kéo, nhất là với những đồ vật to, nặng. Khi kéo hoặc đẩy cũng cần lưu ý: Hai chân đứng cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc. Hai gối hơi gấp. Kéo hoặc đẩy trọng lượng của cơ thể trên hai chân để tạo nên lực kéo hoặc đẩy đồ vật đó đi. Không đẩy hoặc kéo đồ vật đó bằng cơ lưng. Giữ độ ưỡn của đoạn thắt lưng ở mức bình thường.

>> Tìm đọc những bài viết hay về tại: Sức khỏe người lớn

Nguồn: suckhoedoisong.vn