Ho là một tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Nhiều mẹ thường nghĩ khi trẻ bị ho là có bệnh. Tuy nhiên ít người biết rằng ho là một cơ chế bảo vệ của cơ thể. Ho giúp bảo vệ cơ thể bé bằng cách loại bỏ chất nhầy, chất kích thích và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Chỉ khi trẻ ho nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ thì mới cần can thiệp và điều trị thuốc. Còn nếu không, mẹ cũng có thể áp dụng một số cách thức để chữa ho, sổ mũi cho trẻ. Mà không cần đưa trẻ đến bác sĩ hay cơ sở y tế.

Nguyên nhân làm trẻ bị ho

Có thể ho là một biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Ho cấp tính kéo dài dưới hai tuần. Có thể do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như cảm lạnh, hoặc dị vật đường thở. Ho mạn tính có thể gặp nhiều nguyên nhân: hen, bệnh lý mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phổi, ho do di ứng….

Nguyên nhân làm trẻ bị sổ mũi

Sổ mũi hay chảy nước mũi là hiện tượng tăng chất tiết chảy ra ở mũi. Chất tiết này có thể là dịch nhầy trong hoặc dịch mũi đặc có màu vàng hoặc xanh. Sổ mũi có thể là triệu chứng riêng lẽ, nhưng có thể đi kèm với ho. Tổn thương không chỉ làm tăng tiết chất nhầy ở mũi. Viêm còn làm phù nề niêm mạc bên trong mũi hay xoang. Sổ mũi có thể gặp khi trẻ bị viêm đường hô hấp. Bên cạnh đó còn gặp ở viêm phổi hoặc viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, dị vật ở mũi….

Cách trị ho và sổ mũi cho trẻ tại nhà

Mẹ nên làm gì khi trẻ bị ho?

trẻ bị ho
trẻ bị ho

Tùy vào từng nguyên nhân và triệu chứng ho mà mẹ nên có những cách xử lý đúng đắn:

+ Trẻ ho để tống đàm, nhằm làm sạch đường hô hấp, gọi là ho đàm. Đây là một phản xạ có tính chất bảo vệ. Mẹ không nên dùng thuốc ức chế vì sẽ làm tụ đàm, gây hại cho trẻ. Chỉ nên cho trẻ uống nhiều nước và thuốc long đàm hay thuốc tiêu đàm. Với tình huống này mẹ nên cho bé khám bác sĩ để xem nguyên nhân và mức độ ho ở trẻ. Khi cần thiết bác sĩ có thể kê toa có kháng sinh, kháng viêm. Nếu bé khò khè sẽ được chỉ định thuốc giãn phế quản. Khi hết viêm, sẽ giảm đàm nhớt và bé sẽ hết ho.

+ Trẻ ho do kích thích như khói thuốc lá, phấn hoa, sưng viêm đường hô hấp, mùi khó chịu từ môi trường. Đây là ho khan, loại ho này không có tính chất bảo vệ. Ho khan có thể làm trẻ mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu. Lúc này, mẹ cần phải ức chế bằng thuốc trị ho. Có thể thêm thuốc làm dịu cơn ho.

Không phải thuốc trị ho nào cũng có thể dùng được cho trẻ em

Dưới đây là một số thuốc ho trẻ em: (dạng thuốc, mua không cần toa)

  • Thuốc làm loãng đàm: các thuốc có chứa dẫn chất: Acetylcystein, Bromhexin, Ambroxol,..
  • Thuốc long đàm: Guaifenesin.
  • Thuốc giảm ho: chứa Dextromethorphan, kháng histamine Alimemazine.
  • Thuốc ho thảo dược: giúp làm dịu cơn ho như Prospan, Bổ phế Nam Hà, thuốc ho Bảo Thanh, siro Pectol…

Lưu ý: Mẹ nên nhớ rằng nếu muốn cho trẻ dùng bất cứ thuốc gì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bên cạnh đó đừng quên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng nhé.

Mẹ nên đưa trẻ đi khám khi trẻ ho nhiều, ho kéo dài trên hai tuần. Hoặc ho kèm với các biểu hiện bất thường khác như trẻ li bì, không chịu chơi, bỏ ăn, bỏ bú, khó thở, sốt cao, quấy khóc….

Mẹ nên làm gì khi trẻ bị sổ mũi?

trẻ bị sổ mũi
trẻ bị sổ mũi

Sổ mũi làm trẻ khó chịu. Khi mà chất tiết khi đi qua hầu họng có thể kích thích trẻ ho hoặc nặng hơn có thể làm nghẹt và tắc đường thở ở trẻ nhỏ. Các biện pháp làm sạch mũi cần được áp dụng đúng với từng độ tuổi của trẻ.

+  Những trẻ lớn có thể tự xì mũi để đẩy chất tiết ra ngoài.

+  Đối với những trẻ nhỏ hơn, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi. Mẹ nhớ là phải nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để giúp làm mềm chất tiết trước khi dùng các dụng cụ hút mũi. Hoặc các mẹ có thể dùng bấc sâu kèn để lấy dịch mũi ra ngoài. Cách làm bấc sâu kèn: dùng giấy sạch cuốn và vê lại để có một đầu nhọn đưa vào mũi, xoay tròn và kéo để đưa dịch mũi ra ngoài.

Có nhiều thuốc nhỏ mũi giúp co mạch và giảm chất tiết. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé. Chúc mẹ trở thành bà mẹ đảm đang và kiến thức trong nuôi dạy con.

Nguồn: huggies.com.vn